Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

THI CA LÃNG MẠN ANH VÀ BA KHOẢNH KHẮC MÙA XUÂN


1. Thi ca Anh cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX chứng kiến sự trỗi dậy của luồng gió mới thơ mộng với cái Tôi trữ tình dựng xây tòa lâu đài lộng lẫy Chủ nghĩa lãng mạn. Khi nhà thơ Anh William Wordsworth viết trong Lời giới thiệu cho tập Lyric Ballads (Những khúc ca trữ tình): “Cái tình được bày tỏ trong bài thơ đã mang lại ý nghĩa cho cảnh, chứ không phải cảnh mang lại ý nghĩa cho tình”, ta có thể hiểu: chủ quan tính chính là sự chuyển biến trong cái nhìn và cách thể nghiệm thơ ca thời kỳ này. Từ bỏ quan niệm duy lý của J.S.Mill, các nhà thơ như William Blake (1757 – 1827), William Wordsworth (1770 – 1850) và Samuel Taylor Coleridge (1772 – 1835) cho cái Tôi chảy trên những dòng thơ giàu mỹ cảm, thấm đẫm trí tưởng tượng, có khả năng gọi thức hồn người. Thiên nhiên dễ thường mời gọi những cái Tôi dễ rung động trước những biến chuyển của không – thời gian. Và mùa xuân như một điểm hẹn cho ba tâm hồn thi nhân tìm về để lắng lòng trong giây phút giao hòa giữa con người với đất trời và vũ trụ ban sơ.

2. William Blake – nhà thơ, họa sĩ tài danh nhưng cuộc đời lận đận. Lớn lên trong cảnh nghèo khó tại London, Blake mở đầu tập thơ Songs of Experince (Những bài ca trải nghiệm) bằng ước nguyện: Hãy lắng nghe âm vọng của thi nhân! Nhưng cuộc đời đã ngoảnh mặt trước tiếng gọi của thiên tài. Phản đối sự thống trị của những quan niệm chính thống về xã hội, ông như một người lội dòng nước ngược; đồng thời, là người mộ đạo với cảm quan huyền bí tôn giáo, tư tưởng Blake trở nên khó hiểu với đại đa số quần chúng. Cái Tôi không người thấu hiểu, cô đơn lạc lõng giữa những ngã đường lịch sử. Ngay cả thi nhân Wordsworth cũng từng nhận xét về Blake: “ Không còn ngờ gì nữa, gã đàn ông đáng thương này đã nằm trong cơn điên loạn, nhưng có điều gì đó trong nỗi cuồng điên kia khiến tôi cảm thấy thích thú hơn so với sự minh tuệ của Byron và Scott”. Điều đã làm Wordsworth thích thú, phải chăng là sự nhạy cảm tuyệt vời của Blake, biểu hiện qua những vần thơ linh thánh mà khắc khoải, mang phẩm cách của người thi sĩ “làm hộ vệ cho linh hồn con người”.

Ở bài Đến mùa xuân (To Spring), Blake cảm nhận khoảnh khắc xuân đến với đất trời như một thiên thần xuống hạ giới: Ơi Người với những lọn tóc đẫm sương, nhìn xuống – Qua những cửa sổ trong trẻo của ban mai, dịch chuyển – Đôi mắt thiên thần của Người trên hòn đảo phía tây của ta- Nơi đội hợp xướng chào đón cuộc viếng thăm của Người, ơi Mùa Xuân.

Xuân như một thiên thần mang bao niềm vui trong khổ 1, đến những khổ tiếp theo, bước chân Xuân ngang qua núi, theo cánh gió mà lên với những ngọn đồi phía đông (Come o’er the eastern hills). Xuân tìm trong trái tim thi sĩ hân hoan những bất chợt khát khao tận hiến: Ngang qua những ngọn đồi đông và để những cơn gió của ta – Hôn lên bộ quần áo thơm hương của Người; để ta nếm - Hơi thở ngày và đêm của Người; gieo rắc những viên ngọc quý của Người

Từ thiên nhiên hướng đến con người, khổ 4 kết đọng trong trái tim yêu. Người tình muốn Mùa Xuân ướm lên ngực người mình yêu những cái hôn nhẹ(pour thy soft kisses on her bosom), đặt chiếc vương miện vàng của Người lên đầu nàng khổ đau (and put thy golden crown upon her languish’d head). Cũng là một tấm lòng hướng về nhau trong phút giây linh thánh, nhẹ mà thấm đẫm tâm trạng, gọi bao thương yêu cho hương xuân ươm nở mầm xanh.

Sinh sau Blake, William Wordsworth – con trai của một quản gia tại điền trang Lonsdale, người nhiệt huyết với Cách mạng Pháp và “kêu gọi các vấn đề luân lý trong nỗi tuyệt vọng” chưa bao giờ tin vào sự hiện hữu của một Đấng siêu nhiên. Ông cho rằng: Trần gian hùng vĩ thuộc về đôi tai và ánh mắt – Cả cái mà chúng góp phần tạo ra và cái chúng ta cảm nhận. Không gian mùa xuân, qua đôi mắt của Wordsworth, mở rộng trong thanh âm và sắc màu. Thi phẩm Mấy dòng viết đầu xuân(Lines written in early spring) là một thế giới tinh khôi lung linh hiện tiền trước cái nhìn của chủ thể trữ tình thức nhọn mọi giác quan: Tôi nghe ngàn âm thanh hòa quyện – Khi trong rừng tôi tựa người thư thái và Qua chùm anh thảo trong lùm xanh dịu ngọt – Cây dừa cạn thả những nhành hoa… Bài thơ mở dần ra với những cặp hình ảnh: bông hoa – khí trời, nhành lá non – không gian lộng gió…Thiên nhiên và thiên nhiên, thiên nhiên và con người tương hòa khi nhà thơ ngẫm thấy Cả linh hồn trong thể xác tôi cũng đương chuyển mình theo nhịp đi của cỏ cây và vũ trụ. Bài thơ kết lại trong sự chiêm nghiệm về con người, những gì mà qua đó con người đã kiến tạo nên bản thân mình, cũng giống thiên nhiên kia, luôn lấp lánh nhiệm màu. Cảm nghiệm về xuân của Wordsworth, do đó, là “mối xúc cảm được hồi tưởng trong nỗi trầm lặng” như có lần ông nói về đặc trưng của thơ ca lãng mạn.

Là bạn thân của Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge cũng là một thi sĩ tài năng. Cùng với Wordsworth và Robert Southey, ông là đại diện tiêu biểu cho các nhà thơ vùng Hồ (Lake Poets). Với Coleridge, tâm thức đóng vai trò chủ động, ý tưởng xuất phát từ những cảm giác, sự kết hợp các ý tưởng dẫn đến khả năng liên tưởng, nhưng đối với các nhà thơ, trí tưởng tượng nguyên sơ mới là căn để trong hành trình sáng tạo. Quan niệm ấy được Coleridge vận dụng trong cả quá trình phê bình lẫn sáng tác thơ ca. Trong phê bình, ông xem tác phẩm nghệ thuật chủ yếu là sản phẩm của trí tưởng tượng; trong sáng tác, ông sáng tạo nên những hình ảnh lạ lùng, trộn lẫn giữa hiện thực và ý tưởng.

Với bài thơ Công việc không hy vọng (Work without hope), mùa xuân mang dáng vẻ của những tạo vật không ngừng vận động trong dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian: Toàn thể Thiên nhiên dường như đang làm việc – Những con sên rời hang – Những con ong đang kích động – những con chim vỗ cánh – Và Mùa đông ngủ giữa trời - Mang trên khuôn mặt tươi cười giấc mơ của Mùa xuân!Giữa thiên nhiên, không hướng đến tình yêu như Blake, không tương hợp giữa đất và người, thấy mình trong Đại vũ trụ như Wordsworth, Coleridge nhận ra những niềm hy vọng mong manh như một bông hoa tưởng tượng có khả năng nuôi dưỡng hồn người qua những giấc mơ xuân. Niềm hy vọng ấy luôn hướng về một đối tượng để tìm lý do hiện hữu, vì Niềm Hy vọng không có đối tượng không thể tồn tại(Hope without an object cannot live). Bài thơ mang một thông điệp xanh hướng về cuộc đời, để nuôi dưỡng những mật hoa chưng cất từ những nghiệm sinh sống động.

3. Ba nhà thơ lãng mạn người Anh – ba thế giới khép mở những tâm trạng trước tiết xuân đang về. Tình yêu, sự giao hòa, niềm hy vọng – những khoảnh khắc đong đầy cảm xúc trong những thi ảnh vọng lên từ trí tưởng tượng bay bổng. Những đóa hoa thơ thơm nở, cái Tôi hiển hiện, tỏ bày trước thế giới tràn xuân sắc. Nghe đâu đây khúc trữ tình vọng mùa xuân chín trong vườn. Cho thời gian mãi hoài phủ bóng xuống trang thơ.

* Các đoạn thơ được trích trong bài đều do người viết tự dịch từ nguyên bản tiếng Anh


Lê Minh Kha – Nguyễn Pháp




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét